Việc có nhiều người bị nhiễm trong chuyến bay VN54 làm người ta một lần nữa đặt ra câu hỏi đi máy bay có an toàn không và cần làm gì để bảo vệ mình? Sau đây là một vài tìm tòi và suy nghĩ.
Hệ thống thông khí trong máy bay hoạt động như một máy lạnh cao cấp, được mở trước khi hành khách lên máy bay và tiếp tục duy trì sau khi xuống khách. Không khí được làm mới mỗi 3 phút bằng trộn khí tái sử dụng (50%) và và khí từ bên ngoài (50%). Dòng khí lưu thông không đi từ trước ra sau hay ngược lại, mà được định hướng từ trên xuống dưới qua các khe cấp khí ở trên trần và khe thoát khí, thường dưới cửa sổ .
Phần khí tái sử dụng có qua bộ lọc HEPA nên có khả năng loại trừ các loại tác nhân gây bệnh. Việc cấp khí được phân theo từng ngăn và mỗi hành khách có thể chia sẻ cùng dòng khí với 2 đến 5 hàng ghế chung quanh mình. Việc khử trùng trong máy bay có thể khác nhau đôi chút tùy theo hãng nhưng nói chung đều bao gồm việc xử lý bề mặt bằng các dung dịch sát trùng. Tuy nhiên, ngay từ lúc các hành khách bắt đầu vào chỗ, đi lại và sử dụng nhà vệ sinh, thì nguy cơ lây nhiễm bắt đầu tăng lên. Có một số việc bạn có thể làm để giảm rủi ro:
1. Chọn chỗ cạnh cửa sổ nếu được
Vị trí cạnh cửa sổ giảm nguy cơ tiếp xúc với các hành khách khác. Đồng thời, do yếu tố tâm lý, thường làm giảm nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh. Tất nhiên, kèm với nó là sự bất tiện khi cần di chuyển.
2.Mở/tăng luồng khí cá nhân
Có tác dụng tăng tốc độ làm mới không khí ở ghế ngồi của mình, tạo một rào chắn cá nhân hạn chế bớt sự phát tán các giọt nước từ các hàng ghế lân cận. Tăng gió, có thể làm lạnh, bạn có thể yêu cầu mền nếu cần.
3.Làm sạch chỗ ngồi của mình
Làm sạch ghế ngồi khi vào chỗ bằng các giấy khử trùng, bao gồm tay vịn, bàn ăn, seatbelt, ti vi và remote. Những vị trí này vốn đã được làm sạch theo tiêu chuẩn của hãng máy bay nhưng việc cẩn thận không bao giờ thừa và bạn không thể chắc chắn 100% về quy trình, cũng như chất lượng của nhân viên phục vụ. Cần chú ý là ccá loại giấy khử trùng đều đòi hỏi làm ướt bề mặt ít nhất từ 20-30s tuỳ loại. Đừng lau quá nhanh hay dùng khăn giấy khô để làm khô ngay, thì việc khử trùng chẳng còn chút tác dụng nào. Có thể lau bề mặt ghế nếu là ghế da hay giả da.
4.Cẩn trọng khi dùng nhà vệ sinh
Đây là nơi có mật độ tiếp xúc cao và nhiều rủi ro. Chú ý dùng gel rửa tay đúng cách sau khi rời khỏi nhà vệ sinh. Nếu rửa tay bằng xà phòng, chú ý dùng chân mở cửa trước khi bước ra để không phải chạm tiếp vào tay nắm cửa.
5.Lưu ý đến người chung quanh
Cần lưu ý tiếp viên nếu thấy chung quanh có người ho, sổ mũi hay hắt xì liên tục. Họ chính là những người cần mang khẩu trang và có thể phải được chuyển đến những khu vực trống trải trên máy bay
.
6. Uống nước nhiều
Độ ẩm thấp trong máy bay làm niêm mạc bị khô, nhất là trong những chuyến bay dài. Điều đó làm giảm sự bảo vệ của cơ thể đối với các tác nhân gây bệnh. Uống nước đủ để không thấy bị khô họng nhưng không làm gia tăng việc sử dụng nhà vệ sinh.
7.Suy nghĩ khi chọn hãng bay
Các hãng nhỏ, các hãng giá rẻ có xu hướng cắt giảm nhiều loại chi phí và tần suất bay dày đặc để đảm bảo lợi nhuận. Có thể tốn thêm chút ít nhưng yên tâm hơn về chất lượng và dịch vụ trong máy bay. Khi bay đường dài, 787 Dreamliner được ưa thích vì có chất lượng không khí tốt hơn với độ ẩm cao hơn, ghế ngồi cũng như nhà vệ sinh đều rộng hơn.
Trong thời gian có dịch, có một số hãng điều chỉnh chính sách vé cho phép huỷ hoặc đổi không mất phí trong vòng 1 năm sau khi đặt, thay vì chỉ 24 giờ như trước đây. Bạn có thể tìm hiểu thêm để có chọn lựa tốt hơn.